Tô xanh thêm những cánh rừng biên giới

(TN&MT) - Trồng rừng đối với nhiều người là việc làm bình thường. Thế nhưng, từ hơn 20 năm trước, có những người con đồng bào dân tộc Mông đã biết nghĩ đến việc trồng những cánh rừng pơ mu, sa mu để làm giàu cho những cánh rừng nơi biên giới Việt - Lào thì quả thật là một câu chuyện hiếm có. Những cánh rừng vô giá bằng pơ mu, sa mu được trồng bởi mồ hơi, công sức và thậm chí là máu của họ giờ đây đã tô xanh thêm những cánh rừng nơi đại ngàn xứ Nghệ.

Cụ Rê - Người tiên phong trồng rừng dưới dãy núi Pu Lon

Năm 1996, cụ Vừ Pà Rê vào nơi cánh rừng pơ mu đã bị đốn hạ ở dãy núi Pu Lon (thuộc bản Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An), tìm cây pơ mu con về trồng trên những quả đồi ở gần bản. Rồi cụ rủ thêm các con cùng đi.


Ông Vừ Vả Chống (trái) và ông Dềnh Bá Lồng - Bí thư Đảng uỷ xã Huồi Tụ trong khu rừng Pơ mu.

Ông Vừ Rả Tênh - Bí thư Đảng ủy xã Tây Sơn là con thứ 4 của cụ Rê, lúc đó vừa đi nghĩa vụ quân sự về cũng hăng hái theo cha lên rừng. Ông Tênh kể: “Bố con chúng tôi đùm cơm nắm vào rừng tìm cây. Sáng sớm đi, gần trưa mới đến được khu rừng có pơ mu. Vài ngày sau mới về nhưng mỗi người cũng chỉ tìm được vài ba chục cây pơ mu, sa mu cao chỉ vài gang tay”.

Những cây pơ mu, sa mu con tìm được, cha con cụ Rê đem về đào hố trồng trên các quả đồi ở gần bản Huồi Giảng 3. Những quả đồi này đã bị dân bản “cạo trọc” để làm rẫy, nhưng sau đó bỏ hoang vì đất không còn dinh dưỡng.

Một hôm, cụ Rê đến gặp ông Vừ Chông Pao để tâm sự chuyện gây dựng lại rừng pơ mu. Ông Pao nguyên là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn suốt 20 năm (từ năm 1969 - 1989), đại biểu Quốc hội khóa 8 và là một thủ lĩnh nổi tiếng của người Mông. Nghe cụ Rê trình bày, ông Pao rất vui, bảo phải đưa dự án trồng rừng 327 về xã, để bà con cùng chung tay trồng lại rừng.

Thế nhưng, việc trồng rừng cách đây gần 3 thập kỷ không phải là chuyện dễ. “Dự án về xã, Nhà nước hỗ trợ tiền công trồng, bố tôi đi vận động bà con cùng tìm cây pơ mu, sa mu nhưng họ nói trồng cây nhỏ xíu như vậy thì đến lúc nào mới cho gỗ, nên không ai trồng”, ông Vừ Giống Phử, con trai thứ 5 của cụ Rê, kể. “Không ai trồng thì mình phải trồng thôi”, cụ Rê nói với 6 người con trai và cha con cụ tiếp tục lên rừng tìm cây pơ mu về, đào hố trồng.

Khi việc tìm cây pơ mu con trở nên khó khăn, cụ Rê nghĩ đến việc tự nhân giống. Cụ lên rừng tìm quả pơ mu nhỏ bằng lóng tay cái đem về phơi khô rồi tách hạt để ươm. Mỗi quả có 5 - 10 hạt, nhỏ hơn hạt gạo. Mất khoảng vài tháng, những hạt pơ mu mới nảy mầm và nhiều tháng sau cây cao khoảng 20 - 30 cm. Cụ Rê và các con rất phấn khởi, đem cây đi trồng tại những cánh rừng trọc ở xã Tây Sơn, hết đồi này đến đồi khác.

Hai trong số 6 người con của cụ Rê là anh Tênh và anh Phử dẫn tôi lên khu rừng trồng năm 1996. Hàng ngàn cây pơ mu, sa mu đường kính 30 - 40cm vươn lên thẳng tắp, xanh ngát. Ông Tênh kể hồi mới trồng, bố Rê bảo phải trồng dày để đề phòng cây bị chết thì còn cây khác. Nhờ được bảo vệ tốt nên tỷ lệ cây sống khoảng 80%, bây giờ một số vị trí cây khá dày nên phát triển chậm hơn.

Khu rừng này nằm sát khu dân cư bản Huồi Giảng 3, đỉnh đồi là khu vực thoai thoải, khá rộng và từ 5 năm qua được giới trẻ trong huyện chọn làm điểm dã ngoại. Ông Tênh bảo hồi mới trồng khu rừng pơ mu, cụ Rê nói khu này sẽ thành điểm du lịch. “Bố tôi mất năm 2010. Sau đó, đúng như bố tôi dự tính, vào mùa hè, ngày nào cũng có nhiều đoàn từ ngoài thị trấn Mường Xén, huyện Tương Dương hay thậm chí ở tận TP. Vinh đến đây dã ngoại. Ở đây, mùa hè cũng mát rượi” - ông Tênh nói.

Năm 2020, các con cụ Rê bỏ tiền thuê máy múc mở rộng con đường từ dưới chân núi lên khu vực này. Ban Quản lý bản Huồi Giảng 3 cũng hỗ trợ, lắp một số ghế ngồi, xích đu để làm điểm du lịch sinh thái. “Chúng tôi không nhằm thu tiền người đến dã ngoại mà muốn nhiều người tìm đến đây để họ thấy giá trị của rừng và có ý thức bảo vệ rừng” - ông Tênh chia sẻ.

Ông Tênh kể sau khi cùng các con trồng được gần 31ha rừng pơ mu, cụ Rê vận động người dân trong xã cùng trồng. Cụ bảo chỗ nào rừng đã bị phá để làm rẫy thì bà con phải trồng pơ mu vào để gây rừng, giữ đất, cây giống sẽ được cụ cung cấp, vừa bán vừa cho. Nhờ có dự án 327 hỗ trợ tiền trồng rừng nên một số người dân cũng trồng theo ở các khu rừng đã bị phá. Đến nay, xã Tây Sơn đã phục hồi được 68,7ha rừng pơ mu và sa mu, trong đó bố con cụ Rê đã trồng 31ha trong các năm 1996 - 1998. Đây là những khu rừng rất có giá trị phòng hộ đầu nguồn.

“Trồng và giữ rừng cho đời sau”

Huồi Tụ, nơi sinh sống chủ yếu của người Mông, nằm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn gần 30 cây số. Bao quanh là trùng điệp núi rừng. Tập quán canh tác bằng đốt rừng làm rẫy để trồng lúa và thuốc phiện từ hàng trăm năm nay, đã biến những cánh rừng ở đây trở thành những quả đồi nham nhở, trọc lốc.


Pơ mu, một loài gỗ quý từng có nhiều ở vùng này, cũng đã biến mất. Năm 2000, ông Vừ Nỏ Chống nhận khu đồi trọc nằm cách nhà chừng vài cây số, rộng hơn 10ha. Nhận đất rồi, ông cũng chưa biết trồng cây gì trên đó. Hai năm sau, ông Chống quyết định trồng cây pơ mu. “3 năm đi nghĩa vụ quân sự, tôi học được nhiều thứ, nhất là phải bảo vệ, giữ rừng. Khi thấy rừng đã bị phá hết, tôi tiếc lắm, nhất là pơ mu, nên tôi có tâm nguyện phải phục hồi lại rừng pơ mu!”, ông Chống tâm sự.

Để tìm giống pơ mu, người đàn ông dân tộc Mông này phải lặn lội hàng trăm cây số đến các xã Tây Sơn, Na Ngoi, Mường Ải (cùng huyện) để tìm kiếm. Nhưng ở đây không ai có loại giống cây này. “Tôi vào rừng, gần biên giới, thấy ở đó vẫn còn pơ mu, phía dưới những cây lớn, có cây con mọc lên nên rất mừng. Tôi ra bản, thuê một số người, đặt hàng cho họ đi đào cây con về để mua và phải trả tiền công 10.000 đồng/cây họ mới nhận”, ông Chống kể. Để có tiền mua cây giống, người đàn ông này bán cả đàn bò của gia đình và 2 tháng sau, ông thu mua được 3.000 cây pơ mu con.

Khi 3.000 cây pơ mu này được cắm lên trên khu đồi trọc, dân bản đều nói ông bị điên vì họ nghĩ, trồng loài cây này thì bao giờ mới cho gỗ. Hơn một năm sau, chỉ còn phân nửa số cây đã trồng sống sót. Không nản lòng, ông Chống lại đi tìm cây giống khác và tìm đến các lâm trường để hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc pơ mu. Không còn bò để bán nữa, ông tự vào rừng tìm, đào cây và hơn ba tháng sau, ông mới tìm đủ số cây giống để thay thế.

Khi những cây pơ mu đã bén và cắm rễ xuống khu đồi này, ông Chống mới thở phào. Năm 2005, Tổng đội Thanh niên phong 8 đóng trên địa bàn xã mang cây chè tuyết san lên gieo ở vùng cao này để giúp dân bản xóa nghèo. Ông Chống nhận chè về trồng xen bên cạnh pơ mu. Chỉ sau vài năm sau, mô hình này đã mang lại hiệu quả bất ngờ cho gia đình ông. Chè thu hoạch xong, được Tổng đội thu mua với giá cao. Rồi ông Chống nuôi bò, thả gà đen trên khu rừng này để “lấy chè, bò, gà… “nuôi” pơ mu”.

Sau hơn 20 năm giao đất rừng cho dân, nhiều quả đồi ở Huồi Tụ vẫn trọc lóc, nhưng quả đồi của ông Chống đã thành khu rừng pơ mu xanh mướt. Dưới những tán cây pơ mu là đồi chè tuyết shan, hơn chục con bò và hàng trăm con gà đen. Hơn 10 năm nay, 10ha rừng này đã nuôi sống gia đình ông.

Quả pơ mu rụng xuống, mọc thành cây con, ông Chống đào cây con này ra trồng ở khu đất tiếp giáp. Đến nay, ông đã có hơn 7.000 gốc pơ mu. Dưới những tán cây pơ mu xanh mướt, mùi thơm đặc trưng của tinh dầu pơ mu tỏa ra rất dễ chịu. Nhiều cây pơ mu đã có đường kính 30 - 40cm. Gỗ pơ mu rất tốt, mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp và không bị mối mọt nên rất được ưa chuộng để làm đồ mỹ nghệ, gia dụng. Người miền núi trước đây thường dùng gỗ pơ mu làm ngói lợp nhà vì nó độ bền rất tốt. Ông Chống khoe, năm ngoái, đã có người đến hỏi mua pơ mu, cây to giá 3 - 4 triệu đồng mỗi cây, nhưng ông không bán. Ông nói, thu nhập từ cây chè, bò và gà đã đủ cho gia đình trang trải. Ông Chống cũng không có ý định khai thác pơ mu để bán mà chỉ muốn “trồng và giữ rừng cho đời sau”.


Người dân trong xã hiểu ra việc trồng pơ mu của ông Chống, vừa được rừng, vừa có thu nhập, cũng làm theo. Ông Chống nhân giống và bán rẻ cây giống cho họ trồng. Đã có hàng chục ha đồi trọc ở vùng này cũng đã được hon 30 hộ dân ở xã Huồi Tụ phủ xanh bằng những cây pơ mu.