Thu tiền tỷ từ nghề ươm cây lâm nghiệp cấy mô

(GLO)- Kể từ khi thành lập (năm 2020) đến nay, mỗi năm, Công ty TNHH một thành viên Thái Xuân Biên (thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) cung ứng gần 8 triệu cây keo, bạch đàn cấy mô ra thị trường với tổng doanh thu 10 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Ông Thái Xuân Biên-Giám đốc Công ty-cho biết: Trước khi đến với nghề nuôi cấy mô cây lâm nghiệp, ông từng làm công nhân nhưng lương thấp lại bấp bênh. Sau đó, ông quay về nhà làm ruộng rẫy, rồi chuyển sang gầy dựng vườn ươm. Nhận thấy nhu cầu giống cây keo, bạch đàn tăng cao, đầu năm 2020, ông vào TP. Hồ Chí Minh học hỏi kỹ thuật nuôi cấy mô cây lâm nghiệp và xuống TP. Quy Nhơn học chuyển giao công nghệ của Trung tâm Thông tin-Ứng dụng khoa học và công nghệ Bình Định.

“Cuối năm 2020, tôi vay mượn và dốc hết vốn được 1,5 tỷ đồng mua sắm máy móc, xây dựng phòng chức năng; thành lập Công ty và bắt tay thực hiện việc nuôi cấy mô. Ban đầu, tôi cũng gặp không ít khó khăn. Đến nay, tôi đã nắm vững quy trình sản xuất cây cấy mô”-ông Biên phấn chấn nói.
Thu tiền tỷ từ nghề ươm cây lâm nghiệp cấy mô ảnh 1


Ông Thái Xuân Biên kiểm tra cây lâm nghiệp cấy mô. Ảnh: A.P


Theo ông Biên, từ lúc cấy mô đến khi nuôi thành cây hoàn chỉnh kéo dài 9 tháng và trải qua 5 giai đoạn gồm: chọn cây nguyên liệu là cây đầu dòng khỏe mạnh, sinh trưởng tốt để lấy mẫu; thiết lập hệ thống nuôi cấy vô trùng và vào mẫu; nhân nhánh chồi trong môi trường nuôi cấy thích hợp; chọn những chồi hữu hiệu, khỏe mạnh cấy vào môi trường tạo rễ; chuyển cây non từ trong lọ ra phòng nuôi huấn luyện để cây làm quen với môi trường, điều kiện thời tiết bên ngoài trước khi đem đi ươm. “Ưu điểm của phương pháp nuôi cấy mô là tạo ra số lượng lớn, đồng đều, đáp ứng nguồn cây giống quanh năm. Cây giống được nuôi cấy trong điều kiện dinh dưỡng đầy đủ, phát triển nhanh, có khả năng phòng tránh sâu bệnh gây hại”-ông Biên phân tích.

Hàng năm, Công ty TNHH một thành viên Thái Xuân Biên ươm gần 8 triệu cây lâm nghiệp cấy mô. Trong đó, gần 4 triệu cây được bán cho các vườn ươm trên địa bàn thị xã với giá 1,2 ngàn đồng/cây keo, 800 đồng/cây bạch đàn; 4 triệu cây được đem đi ươm giống rồi bán ở một số huyện, thị xã trong tỉnh và các tỉnh Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định với giá 2,2-2,7 ngàn đồng/cây keo, 2-2,5 ngàn đồng/cây bạch đàn. Công ty đạt doanh thu 10 tỷ đồng/năm và tạo việc làm cho 53 lao động địa phương với tiền công 6-10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Biên cho biết thêm: Dự kiến đến năm 2024, Công ty ươm 12 triệu cây cấy mô/năm; sản xuất giống keo AH7, BV16; trồng rừng thực nghiệm những giống keo, bạch đàn đang ươm nhằm tìm ra giống cây tốt nhất đưa vào sản xuất đại trà; tạo việc làm cho 70 lao động địa phương và nâng mức tiền công trung bình 12 triệu đồng/người/tháng.

Chị Huỳnh Thị Xuân Thương (thôn An Thượng 3) kể: “Cuối năm 2020, tôi xin vào làm tại vườn của Công ty TNHH một thành viên Thái Xuân Biên, sau đó chuyển vào phòng nuôi cấy mô. Sau một thời gian nỗ lực phấn đấu, tôi được Công ty giao làm Trưởng phòng nuôi cấy mô, quản lý 37 công nhân. Từ khi vào đây làm việc, cuộc sống gia đình ổn định, thu nhập tốt”.
Thu tiền tỷ từ nghề ươm cây lâm nghiệp cấy mô ảnh 2


Mỗi năm, Công ty TNHH 1 thành viên Thái Xuân Biên (thôn An Thượng 3, xã Song An, thị xã An Khê) sản xuất 8 triệu cây lâm nghiệp cấy mô. Ảnh: An Phát


Còn anh Trần Ngọc Hùng (tổ 4, phường Ngô Mây, thị xã An Khê) thì cho hay: Đầu năm 2023, anh mở vườn ươm. Được bạn bè giới thiệu, anh đã mua hơn 150 ngàn cây lâm nghiệp cấy mô của Công ty TNHH một thành viên Thái Xuân Biên về ươm, tỷ lệ cây sống đạt 95-97%. “Mua cây lâm nghiệp cấy mô của Công ty TNHH một thành viên Thái Xuân Biên tiết kiệm được cước phí vận chuyển và không mất nhiều thời gian. Cũng nhờ ông Biên tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn ươm nên việc kinh doanh của gia đình thuận lợi hơn. Doanh thu của vườn đạt hơn 20 triệu đồng/tháng, cây ươm đến đâu bán hết tới đó”-anh Hùng vui vẻ nói.

Trao đổi với P.V, ông Khưu Doãn Huân-Chủ tịch UBND xã Song An-cho biết: “Nghề ươm cây lâm nghiệp đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho 15 nhà vườn trên địa bàn xã. Riêng ông Biên đã tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật và thành công với mô hình sản xuất cây lâm nghiệp cấy mô. Hàng năm, Công ty của ông Biên cung ứng hàng triệu cây keo, bạch đàn cấy mô, trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều vườn ươm, hộ trồng rừng trong và ngoài tỉnh; góp phần chủ động nguồn giống cho các vườn ươm trên địa bàn; giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương”.

AN PHÁT